Nấm bào ngư là một trong những loại nấm phổ biến được tiêu thụ nhiều nhất trên thị trường hiện nay. Nấm bào ngư rất dễ chế biến và phù hợp với đại đa số mọi người. Ngoài làm thực phẩm với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe, nấm bào ngư còn được dùng để làm thuốc trong đông y. Ngày hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về thành phần dinh dưỡng và công dụng của loại nấm này nhé.

Các nội dung chính trong bài viết
Nấm bào ngư là gì?
Nấm bào ngư là một chi trong họ nhà nấm. Nấm bào ngư có nhiều hình hạng khác nhau nhưng có đặc điểm chung là có phần mũ (tai nấm) khá dày và có hình dạng như một con sò và có màu trắng hoặc xám nâu. Nhiều người nói rằng phần tai nấm nó có hình như tai của người vậy. Chính vì thế, nấm bào ngư còn có nhiều tên gọi khác như nấm sò, nấm sò xám, nấm trắng, nấm hương chân ngắn, nấm dai…
Nấm sò mọc tự nhiên thường được tìm thấy ở những vùng nhiệt đới và ôn đới. Với mỗi loại địa hình và khí hậu khác nhau nấm bào ngư sẽ có những hình dạng khác nhau. Vì thế cho nên việc phân loại trong chi nấm bào ngư khá phức tạp. Ngày nay, người ta trồng nấm sò để làm thực phẩm khá nhiều vì loại nấm này có hình dạng đẹp, giá trị dinh dưỡng cao và còn có thể dùng làm thuốc chữa bệnh.

Thành phần dinh dưỡng của nấm sò
Nấm bào ngư tên tiếng anh là Oyster Mushroom (tạm dịch là nấm sò, nấm hàu). Theo Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia để phát hành di sản chuẩn thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ USDA, trong 100g nấm bào ngư có cung cấp 33 calo, 6% nhu cầu chất xơ, 10% nhu cầu vitamin B1, 27% nhu cầu vitamin B2, 31% nhu cầu vitamin B3, 26% nhu cầu vitamin B5, 8% nhu cầu vitamin B6, 7% nhu cầu vitamin D, 9% nhu cầu kali, 27% nhu cầu đồng, 16.5% nhu cầu sắt, 4,5% nhu cầu Magie, 5% nhu cầu Mangan, 17% nhu cầu phốt pho, 5% nhu cầu Selen và 7% nhu cầu kẽm cần cho cơ thể trong một ngày.
Tuy hàm lượng của các vitamin và khoáng chất trong nấm sò chỉ tương đương với các loại rau xanh nhưng nó lại chứa tương đối đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất thiết yếu trong đó có vitamin D là một loại vitamin mà cá loại rau hay thịt không có.

Công dụng của nấm bào ngư
Nấm bào ngư có khá nhiều công dụng. Nhìn vào thành phần dinh dưỡng của nấm bào ngư, có thể thấy rằng loại nấm này có nhiều thành phần rất tốt cho sức khỏe. Sau đây là một vài công dụng chính của nấm sò (bào ngư) các bạn có thể tham khảo:
1. Dùng để làm thực phẩm
Với giá trị dinh dưỡng khá cao và ăn rất ngon nên nấm sò được dùng như một loại thực phẩm khá quen thuộc trong bữa ăn gia đình. Các bạn có thể dùng nấm bào ngư để nấu canh hay xào đều rất ngon. Ngoài ra, loại nấm này còn được dùng để làm món ruốc nấm đang được rất nhiều người yêu thích. Trong các món lẩu, đặc biệt là lẩu nấm cũng không thể thiếu được nấm bào ngư. Có thể nói rằng nấm bào ngư là một loại nấm rất phổ biến và được tiêu thụ mạnh nhất trong số các loại nấm trên thị trường.
2. Rất tốt cho sức khỏe
Với các thành phần dinh dưỡng của nấm sò vừa nêu trên, có thể thấy rằng nấm bào ngư là một loại nấm rất tốt cho sức khỏe. Với lượng calo rất ít, ăn nấm bào ngư các bạn sẽ không phải lo lắng vì chuyện tăng cân hay béo phì. Phốt pho, mangan, kẽm là các chất có trong nấm bào ngư rất tốt cho xương giúp phòng ngừa loãng xương hiệu quả. Kali, sắt, đồng, magie cũng là những chất quan trọng giúp hệ tim mạch hoạt động tốt hơn ngăn ngừa được tình trạng cao huyết áp và mỡ máu. Nấm sò có cấu tạo thân và phần mũ xốp nên khi chế biến thành món ăn, nấm bào ngư rất dễ dàng được tiêu hóa. Bên cạnh đó, lượng chất xơ có trong nấm bào ngư còn giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn và giảm được lượng cholesterol có trong máu.
3. Ngăn ngừa ung thư
Khi nghiên cứu thành phần hợp chất có trong nấm bào ngư, các nhà khoa học đã tìm thấy một chất gọi là lovastatin và pleutorin. Qua nhiều thực nghiệm, người ta đã đi đến kết luận, lovastatin và pleutorin có khả năng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị ung thư hiệu quả. Pleutorin có công hiệu kháng khuẩn gram dương và kháng cả tế bào ung thư, lovastatin có khả năng tiêu diệt một số loại tế bào ung thư. Tuy nó có thể giúp hỗ trợ điều trị ung thư nhưng trước khi sử dụng các bạn nên hỏi kỹ ý kiến của bác sĩ và cũng không nên ăn quá nhiều nấm bào ngư nhé.
4. Tốt cho người bị tiểu đường
Một số polysacarit protein trong nấm sò đã được tìm thấy có tác dụng chống tăng đường huyết, chống khối u mô mềm, điều hòa miễn dịch, chống viêm, hạ huyết áp trong các nghiên cứu trên động vật thí nghiệm. Do vậy, nấm bào ngư được biết đến là một loại thực phẩm tốt và rất an toàn với những người bị chứng đái tháo đường.
5. Dùng trong đông y như một vị thuốc
Đông y cho rằng nấm bào ngư có vị ngọt, tính ấm, công năng tán hàn và thư cân. Nấm bào ngư kết hợp với những vị thuốc khác có thể dùng để chữa nhiễm phong hàn, đau nhức xương khớp, yếu khớp tay khớp chân, đau lưng mỏi gối … Đặc biệt, nấm sò được biết đến khá nhiều với công dụng giảm mỡ máu và giúp giảm cholesterol trong máu.

Tại sao cần sấy khô nấm bào ngư?
Nấm bào ngư khi dùng làm thực phẩm thường chỉ cần rửa sạch là có thể chế biến được ngay. Tuy nhiên, trên thị trường bán nhiều loại nấm bào ngư sấy khô và nhiều bạn thắc mắc: tại sao cần sấy khô nấm bào ngư? Nguyên nhân vì nấm bào ngư cũng giống như nhiều loại nấm khác, sau khi nấm được hái để bán sẽ không để đươc lâu trong nhiệt độ thường. Nếu để trong tủ lạnh, các bạn cũng chỉ có thể bảo quản được vài ngày mà thôi. Do vậy, khi nấm sò không bán hết, người ta đem nấm phơi khô hoặc dùng máy sấy sấy khô để bảo quản được lâu hơn.
Với khá nhiều công dụng và lợi ích tốt cho sức khỏe, nấm bào ngư là một loại thực phẩm các bạn nên bổ sung vào thực đơn hàng ngày. Hiện nay giá của nấm bào ngư dao động trong khoảng 60 – 80 ngàn đồng/kg. Nếu các bạn mua ít giá sẽ cao hơn một chút. Mức giá này cũng không hề đắt và rất hợp lý với một loại thực phẩm tốt cho sức khỏe phải không nào.
Ý kiến bạn đọc (0)