Công dụng của cây đinh lăng – Cây đinh lăng là một loại cây trước đây được trồng làm cảnh rất phổ biến. Ngoài tá dụng trồng làm cảnh, đinh lăng còn được dùng để làm rau sống và dùng làm thuốc chữa bệnh. Củ đinh lăng khi đủ tuổi có rất nhiều công dụng tốt được cho là quý giá không kém gì so với nhân sâm. Ngày hôm nay chúng ta cùng tìm hiểu về cây đinh lăng và những công dụng của cây đinh lăng để xem loại “nhân sâm cho người nghèo” này có tác dụng như thế nào nhé.

Các nội dung chính trong bài viết
Cây đinh lăng (Nam dương sâm)
Cây đinh lăng là một loại cây nhỏ được biết đến với nhiều tên gọi như đinh lăng, cây gỏi cá, cây nam dương sâm, … Khi trưởng thành cây cao khoảng 2 mét, lá so le có răng cưa nhọn mọc nhìn giống hình lông chim. Cây đinh lăng cũng có hoa và quả, hoa đinh lăng màu trắng xám, nhiều người nói là có màu lục nhạt. Khi kết quả cây cho quả nhỏ dẹt màu trắng đục (trắng bạc). Rễ của cây đinh lăng hay nhiều người còn gọi là củ đinh lăng khi đủ độ già có nhìn cũng khá giống nhân sâm và có nhiều tác dụng tương tự như nhân sâm.

Theo phân loại, cây đinh lăng cùng họ với nhân sâm nên đinh lăng cũng có một vài đặc tính và tác dụng tương tự như nhân sâm dùng để chữa bệnh. Nhiều bạn vẫn thắc mắc, củ cải trắng thường được các “gian thương” giả làm nhân sâm, vậy củ cải chắc cũng có họ với nhân sâm đúng không? Thực tế củ cải là họ cải còn nhân sâm là họ cuồng không liên quan gì đến nhau đâu nhé.

Công dụng của cây đinh lăng
1. Dùng làm thực phẩm để ăn trực tiếp như một loại rau sống
Từ lâu lá đinh lăng đã được dùng như một loại rau sống dùng để ăn gỏi cá nên nhiều vùng còn gọi cây đinh lăng là cây gỏi cá. Thường các lá dinh lăng còn non ở gần phía ngọn sẽ được hái để ăn sống như một loại rau sống. Gần đây, trong nhiều món lẩu cũng thấy xuất hiện lá đinh lăng như môt loại rau không thể thiếu được nhiều người yêu thích.
2. Đinh lăng dùng làm cây cảnh
Cây đinh lăng được dùng làm cây cảnh phổ biến hơn cả tác dụng làm thực phẩm. Từ rất lâu trước đây, khi các loại cây cảnh còn chưa phổ biến, đinh lăng luôn là một trong những loại cây được chọn để làm cây cảnh trồng trong nhà, ngoài sân hay trước cửa. Ngày nay, các loại cây cảnh tràn ngập thị trường nhưng đinh lăng vẫn là một loại cây cảnh được đánh giá là cây quý. Nguyên nhân vì nhu cầu mua củ đinh lăng ngày một cao nên các loại cây đinh lăng làm cảnh không chỉ có giá trị về mặt thẩm mỹ mà nó còn mang giá trị từ củ (rễ) đinh lăng lâu năm.
3. Dùng làm thuốc trong đông y
Đinh lăng đã được y học cổ truyền sử dụng như một vị thuốc để chữa nhiều bệnh. Theo y học cổ truyền, rễ cây có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết; lá đinh lăng có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ. Toàn cây đinh lăng bao gồm rễ, thân, lá đều có thể sử dụng làm thuốc. Thông thường, lá đinh lăng sấy khô có thể dùng để chữa bệnh khó ngủ giúp an thần, củ đinh lăng ngâm rượu làm thuốc bổ rất tốt. Đinh lăng thường dùng để chữa một số bệnh như:
- Chữa chứng mồ hôi trộm
- Lợi sữa
- Cầm máu Chữa lành vết thương
- Chữa đầy hơi, khó tiêu, tiêu chảy
- Lợi tiểu, trị sỏi thận
- Chữa sưng đau cơ khớp
- Phòng co giật ở trẻ em
- Chữa liệt dương
- Chữa đau lưng mỏi gối
- Chữa viêm gan
- Chữa thiếu máu
- Chữa dị ứng, ban sởi, ho, kiết lỵ
- Ho suyễn lâu năm
Tuy đinh lăng có tác dụng chữa bệnh và có rất nhiều bài thuốc được lan truyền trên internet nhưng các bạn nếu muốn chữa bệnh hãy tới khám ở các phòng khám đông y đê được chuẩn đoán và có phương pháp điều trị tốt nhất nhé. Tránh tự ý dùng đinh lăng để chữa bệnh có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường.

Chú ý khi dùng cây đinh lăng để chữa bệnh
Như lời khuyên bên trên, đinh lăng đúng là rất tốt dùng được như một loại thuốc bổ và dùng để chữa bệnh nhưng không nên tự ý dùng đinh lăng chữa bệnh. Sau đây là hai chú ý quan trọng khi sử dụng đinh lăng các bạn cần biết:
1. Củ đinh lăng dùng chữa bệnh phải đủ năm
Củ đinh lăng có tác dụng rất tương tự với nhân sâm nhưng đó là khi củ đinh lăng đủ năm. Thông thường, củ đinh lăng dưới 3 năm tuổi không có nhiều tác dụng đối với việc chữa bệnh. Khi dùng củ đinh lăng chữa bệnh cần dùng củ có năm tuổi từ 3 – 5 năm mới đạt tiêu chuẩn.

2. Dùng đinh lăng quá liều dẫn đến phá hủy hồng cầu
Giống như trong quả bồ hòn, trong của đinh lăng cũng có chứa Saponin, đây là một chất tạo bọt có thể thay thế cho xà phòng. Khi các bạn sử dụng đinh lăng quá liều sẽ khiến cơ thể có cảm giác đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy. Nguy hiểm hơn, saponin có trong đinh lăng khi đi vào trong máu sẽ dẫn đến tình trạng phá hủy hồng cầu trong máu rất nguy hiểm.

Với vài kiến thức cơ bản về cây đinh lăng và một vài công dụng cua cây đinh lăng hi vọng các bạn đã hiểu hơn về loại dược liệu khá phổ biến này. Bên cạnh đó, cá bạn cũng nên cẩn trọng khi sử dụng đinh lăng để làm thuốc và tránh mua phải đinh lăng giả nhé.
Ý kiến bạn đọc (0)